Số trường hợp tử vong ước tính khoảng 700.000 người với cả virut viêm gan B và C do xơ gan và ung thư gan. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 21/7/2107, hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virut viêm gan b mạn tính và 1 triệu người có virut viêm gan C.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW, bệnh viêm gan virut là bệnh truyền nhiễm phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, bệnh viêm gan virut B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất do biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Chuyên gia y tế khẳng định, bệnh viêm gan virut B và C có thể dự phòng và điều trị. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B bao gồm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh được chứng minh là biện pháp quan trọng nhất để dự phòng lây nhiễm viêm gan virut B nhằm giảm tỷ lệ mắc tại các khu vực lưu hành cao như Việt Nam.
Điều trị viêm gan C hiện nay đã có tiến bộ đáng kể với các thuốc kháng virut trực tiếp mới (DAAs), tỷ lệ khỏi bệnh khi điều trị bằng các thuốc này trên 90%. Mặc dù chưa có vắc -xin dự phòng nhưng phát hiện sớm và điều trị sớm bằng các thuốc mới sẽ giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật do viêm gan virut C cũng như dự phòng lây nhiễm viêm gan virut C trong cộng đồng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam việc tiếp cận với các thuốc mới vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện rất cao và vượt quá khả năng chi trả của nhiều người bệnh. Hầu hết các thuốc chưa được đăng ký và chưa có trong danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả.
Một trong những hoạt động trong Tháng hành động hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới năm 2017 do Hội Truyền nhiễm Việt Nam, BV Bệnh nhiệt đới TW tổ chức phát động là xét nghiệm sàng lọc miễn phí viêm gan C cho nhóm quần thể nguy cơ cao, bệnh nhân đến khám tại BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2.
Ngoài ra, BV còn phối hợp với Tổ chức Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) tổ chức lễ công bố triển khai dự án “Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh viêm gan virut C” tại 5 cơ sở điều trị tại Hà Nội, Nam Định và Hải Dương với mục tiêu tăng cường tiếp cận điều trị cho người bệnh viêm gan virut C. Dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt với thời gian triển khai từ năm 2016- 2018.
Minh Thúy